Chứng chỉ tiền gửi là gì – Phân loại chứng chỉ tiền gửi
Chứng chỉ tiền gửi là một trong những công cụ huy động vốn trung và dài hạn của các tổ chức tín dụng. Cũng giống như tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi là một kênh đầu tư tài chính hấp dẫn, an toàn và ít rủi ro. Hãy cùng tìm hiểu một vài thông tin mà Shoptien.vn chia sẻ về loại giấy tờ có giá này trong bài viết sau đây nhé.
Khái niệm về chứng chỉ tiền gửi
Chứng chỉ tiền gửi được định nghĩa là một loại giấy tờ có giá được phát hành bởi các tổ chức tín dụng, ghi nhận quyền sở hữu của khách hàng đối với một khoản tiền gửi có kỳ hạn. Người sở hữu chứng chỉ tiền gửi sẽ được hưởng một tỷ lệ lãi suất nhất định tùy thuộc theo từng đơn vị phát hành cũng như được đảm bảo an toàn cho khoản tiền gửi của mình.
Phân loại chứng chỉ tiền gửi
Chứng chỉ tiền gửi được chia làm 3 loại như sau:
+ Chứng chỉ tiền gửi ghi danh: Tên của người sở hữu sẽ được ghi nhận trên tờ chứng chỉ tiền gửi.
+ Chứng chỉ tiền gửi vô danh: Không ghi nhận tên người sở hữu trên chứng chỉ tiền gửi. Quyền sở hữu sẽ thuộc về người nắm giữ hợp pháp chứng chỉ tiền gửi đó.
+ Chứng chỉ tiền gửi ghi sổ: Đây là loại chứng chỉ không được quyền chuyển nhượng. Loại này sẽ được trả lãi và gốc lúc đáo hạn.
Đặc điểm của chứng chỉ tiền gửi
+ Lãi suất được trả định kỳ, thông thường là vào lúc đáo hạn.
+ Mệnh giá cao và kỳ hạn dài.
+ Được quyền cho, biếu, tặng, mua bán, chuyển nhượng theo quy định của pháp luật và tổ chức phát hành.
+ Chứng chỉ tiền gửi không được rút ra trước hạn mà chỉ được tất toán khi cuối kỳ.
Mục đích phát hành chứng chỉ tiền gửi
+ Chứng chỉ tiền gửi là một công cụ huy động vốn trung và dài hạn của ngân hàng. Chính vì lẽ đó nên đây là kênh huy động vốn hướng tới nhóm khách hàng có một khoản tiền nhàn rỗi chắc chắn không sử dụng trong một thời gian dài. Thông thường chứng chỉ tiền gửi được phát hành theo từng đợt chứ không phải thường xuyên.
Đặc biệt vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu sử dụng vốn lớn của doanh nghiệp. Hoặc khi ngân hàng có một kế hoạch kinh doanh cụ thể nào đó thì ngân hàng sẽ huy động vốn thông qua công cụ này. Do đặc điểm của chứng chỉ tiền gửi là không được rút ra trước hạn thế nên điều này cũng sẽ đảm bảo yên tâm cho ngân hàng khi họ có kế hoạch kinh doanh dài hạn.
+ Hiện nay khi những quy định nghiêm ngặt về siết chặt tỷ lện vay vốn của ngân hàng nhà nước đối với các tổ chức tín dụng thì việc phát hành chứng chỉ tiền gửi là một công cụ hữu hiệu giúp ngân hàng cân đối nguồn vốn huy động của mình. Hơn nữa hình thức huy động vốn này so với phát hành trái phiếu sẽ ít phức tạp về thủ tục cũng như chi phí hơn.
Ưu điểm của chứng chỉ tiền gửi
+ Chứng chỉ tiền gửi có thể xem là một khoản đầu tư tài chính an toàn và ít rủi ro. Bởi vì nó được đảm bảo bởi rất nhiều quy định khắt khe của tổ chức tín dụng lớn cũng như sự giám sát của ngân hàng nhà nước.
+ Lãi suất của chứng chỉ tiền gửi cao hơn so với các khoản tiết kiệm thông thường. Đi đôi với sự hấp dẫn này chính là mệnh giá lớn cũng như kỳ hạn dài.
+ Nếu như có nhu cầu về vốn trong thời gian mua chứng chỉ tiền gửi thì người mua có thể cầm cố, chuyển nhượng hoặc bán giấy tờ này để có thể vay vốn. Tất nhiên đây là phương án làm giảm lợi ích của việc nắm giữ chứng chỉ tiền gửi. Bởi lãi suất mà ngân hàng cho vay bằng cách cầm cố chứng chỉ tiền gửi sẽ cao hơn rất nhiều so với lãi suất mà ngân hàng trả cho người mua chứng chỉ tiền gửi đó.
Nhược điểm của chứng chỉ tiền gửi
Bên cạnh những ưu điểm và sức hấp dẫn về lãi suất thì chứng chỉ tiền gửi vẫn tồn tại những điểm hạn chế như sau:
+ Tính thanh khoản thấp do không được quyền rút ra trước hạn.
+ Lãi suất cao hơn so với hình thức gửi tiết kiệm tuy nhiên điều kiện ràng buộc về kỳ hạn cũng như mệnh giá khiến cho loại công cụ này chỉ thích hợp với một số nhóm đối tượng khách hàng nhất định chứ không phải số đông khách hàng cá nhân.
So sánh 2 hình thức chứng chỉ tiền gửi và sổ tiết kiệm
Chứng chỉ tiền gửi và sổ tiết kiệm đều là công cụ huy động vốn của ngân hàng. Tuy nhiên 2 hình thức này có sự khác biệt như sau:
+ Lãi suất; So với tiền gửi tiết kiệm thì lãi suất của chứng chỉ tiền gửi cao hơn.
+ Kỳ hạn: Chứng chỉ tiền gửi thường có kỳ hạn dài hơn so với gửi tiết kiệm
+ Tính thanh khoản: Tiền gửi tiết kiệm có thể rút ra trước hạn, ngược lại người nắm giữ chứng chỉ tiền gửi không thể rút ra trước hạn. Do đó tính thanh khoản của tiền gửi tiết kiệm sẽ cao hơn so với chứng chỉ tiền gửi.
+ Đối tượng khách hàng: Tiền gửi tiết kiệm phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng cá nhân có một số tiền nhàn rỗi, ít hay nhiều đều có thể gửi tiết kiệm. Còn đối với chứng chỉ tiền gửi, mệnh giá sẽ cao hơn rất nhiều.
Lãi suất chứng chỉ tiền gửi của một số ngân hàng ở nước ta hiện nay
+ Mức lãi suất của ngân hàng SHB đưa ra trong đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi ừ 15/03/2019 – 06/06/2019.
Kỳ hạn | Đối với số tiền < 2 tỷ đồng | Đối với số tiền > 2 tỷ đồng |
18 tháng | 8,6% | 8,7% |
24 tháng | 8,7% | 8,8% |
36 tháng | 8,8% | 8,9% |
+ Ngân hàng Viet Capital Bank tung ra lãi suất vô cùng hấp dẫn với tỷ lệ cao nhất 10,2%/năm trong đợt phát hành ngày 19/08/2019.
+ Ngân hàng VietABank cũng có mức lãi suất 9,1%/năm đối với kỳ hạn 24 tháng.
+ Ngân hàng Sacombank 8,6%/năm đối với kỳ hạn 84 tháng.