Tiếp nối series về người nổi tiếng trên Blogtienao, hôm nay chúng ta sẽ đi tìm hiểu về Justin Sun – người đã tạo ra hệ sinh thái TRON đình đám. Có thể nói đây là một chàng trai trẻ đầy tài năng và có khá nhiều chuyện… thú vị để kể.
Cú shock đầu đời
Justin Sun được sinh ra tại thành phố Thanh Hải thuộc Trung Quốc trong một gia đình có mẹ là phóng viên và cha là phó phòng giáo dục.
Đến năm 8 tuổi, với ước mơ trở thành một kỳ thủ cờ vây chuyên nghiệp, cậu bé đã được mẹ gửi đến trường tiểu học tư thục tại Vũ Hán. Do phải sống xa nhà khi còn quá nhỏ, Justin từng tâm sự rằng:
Ở độ tuổi nhỏ như vậy, tôi không quen biết ai khi đến Vũ Hán. Ký túc xá với hơn 40 đứa trẻ như tôi, có một số người khóc vào mỗi đêm nhưng không muốn cho người khác biết. Tôi cũng thế, rút vào chăn và khóc hàng đêm vì nhớ cha mẹ.
Nhưng nỗi nhớ nhà chỉ là một vấn đề nhỏ và việc học mới là khó khăn chính. Vì đây là trường đào tạo ra những kỳ thủ chuyên nghiệp sau này nên luôn có những cuộc thi khốc liệt không hề kém với kỳ tuyển sinh Đại học. Và sau ba năm theo học, cậu bé Justin phải quay về nhà do không thể hoàn thành các phần thi.
Dù tâm lý cậu lúc này có phần chán nản nhưng Justin lại thấy vui khi sắp được gặp lại cha mẹ. Tuy nhiên, cậu được chào đón với tin tức cha mẹ đã ly hôn:
Đó như một tiếng sét trong ngày nắng. Thật khó để học tại trường trong ba năm đó, nhưng tôi luôn nghĩ rằng mình vẫn có một ngôi nhà để quay về. Kết quả là suy nghĩ này đã bị phá vỡ. Họ đã không chia tay một cách hòa bình… có những trận cãi vã lớn…
Gia đình tan vỡ
Kể từ đó, chàng trai bé nhỏ ấy phải chứng kiến vô số trận cãi vã cùng với những cuộc bạo hành của cha đối với mẹ:
Tôi thường thấy cha mẹ tôi đứng trước cổng trường sau giờ học và tranh nhau đưa tôi đi.
Thật khó tưởng tượng làm sao để một đứa bé có thể thoát khỏi sự tổn thương ấy. Và như một điều hiển nhiên, cậu bắt đầu lao vào game online để tìm sự giải tỏa và điểm số của cậu bắt đầu giảm mạnh.
Sau đó, mẹ Justin tái hôn ở Ý còn sự nghiệp của cha cậu thì lao dốc và ông chìm đắm trong men rượu. Đấy cũng là thời điểm Justin Sun không còn cảm nhận được hơi ấm của gia đình, chẳng còn ai quan tâm đến cậu. Cậu bé bắt đầu sống ở trường nội trú, quan hệ của hai cha con trở nên lãnh đạm.
Sau năm 11 tuổi, tôi không cảm nhận được hơi ấm của gia đình dù có sống tại nhà. Bất cứ nơi nào tôi ở thì đó sẽ là nhà của tôi. Một ngôi nhà, một mình tôi.
Bộc lộ phẩm chất nhà lãnh đạo
Dù trải qua một tuổi thơ đầy sóng gió nhưng nếu bạn thật sự có tài năng thì khó điều gì có thể làm lu mờ bạn. Trường hợp của Justin Sun cũng thế. Ngay từ khi học cấp hai, cậu thiếu niên Justin đã bộc lộ phẩm chất lãnh đạo của mình với hệ tư tưởng độc lập, khó bị chi phối.
Vào thời điểm ấy, chính phủ công bố kế hoạch điều chỉnh hướng dẫn học tập cho học sinh. Điều đó có nghĩa là những học sinh từ các gia đình thu nhập thấp và những người được cho là có “quan điểm cực đoan” sẽ nhận được hướng dẫn thay thế từ giáo viên thay vì hướng đến việc học đại học.
Justin đã lên tiếng chỉ trích nặng nề quyết định này trong một bài đăng trực tuyến. Cậu gọi nỗ lực này là “một điều tàn nhẫn” nhằm mục đích thể chế hóa việc kiểm soát chặt chẽ học sinh và so sánh chúng với hệ tư tưởng của Đức Quốc xã. Bài viết đã được lưu hành rộng rãi khắp Trung Quốc vào thời điểm đó.
Chính nhờ những bài viết chỉ trích này đã đưa cậu lên trang bìa của tạp chí Yazhou Zhoukan. Trên đó, Justin được mô tả là một nhân vật trẻ tuổi có tố chất lãnh đạo và có quan điểm cấp tiến.
Sau khi hoàn thành chương trình trung học, cậu thiếu niên Justin đã nhận được tấm vé trở thành sinh viên Đại học Bắc Kinh – một trong những trường thuộc top đầu Trung Quốc.
Dám mạnh mẽ chỉ trích sai lầm của chính quyền
Thật thiếu sót nếu không nhắc đến điều này. Trong bốn năm học tại đại học Bắc Kinh, bằng tài viết lách của mình, Justin Sun đã nhiều lần công khai chỉ trích những sai lầm của chính quyền Trung Quốc.
Như vào ngày tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ đập tại Chu Khúc bị vỡ, anh đã viết một bài báo để chỉ trích sự thờ ơ của chính phủ đối với cuộc sống của người dân. Hay một bài châm biếm khác về hành động chống lại “sự thô tục” của chính phủ trong vụ Guo Degang.
Nhưng nổi bật nhất có lẽ chính là vụ Justin Sun mạnh mẽ chỉ trích chính ngôi trường mà anh đang theo học.
Cụ thể, vào tháng 3/2011, các phương tiện truyền thông đưa tin “Đại học Bắc Kinh sẽ thực hiện một hệ thống tư vấn học thuật cho một số sinh viên, chẳng hạn như khó khăn trong học tập, cực đoan về ý thức hệ,… Xây dựng và triển khai các kế hoạch hỗ trợ theo cách được nhắm đến”.
Chính cụm từ “cực đoan về ý thức hệ” đã thu hút sự chú ý của chàng sinh viên. Không chần chờ quá lâu, anh đã liên tiếp đưa ra các bài báo: “Một hệ thống độc ác cuối cùng đã bị vạch trần. Đây là ý tưởng xấu xa để thể chế hóa toàn quyền kiểm soát sinh viên”; hay “Tôi luôn cảm thấy rằng mình không sống ở Đại học Bắc Kinh. Đây có phải là Đức quốc xã?”.
Vào cuối năm 2010, vì sợ bị đuổi khỏi trường, anh đã nộp đơn xin tốt nghiệp sớm và tham gia chương trình thạc sĩ kinh tế-chính trị tại Đại học Pennsylvania trong hai năm.
Trở thành triệu phú nhờ Bitcoin
Trong một buổi phỏng vấn với tạp chí GQ, Justin Sun cho biết một trong những nguyên tắc sống mà cậu đã thực hành từ thời thơ ấu: “Phải là người đầu tiên. Nếu bạn không thể là người đầu tiên trong một lĩnh vực, hãy thay thế bằng lựa chọn khác ngay lập tức.”
Chính nhờ quan điểm này mà khi lần đầu tiên nghe nói về Bitcoin vào năm 2013, chàng sinh viên đã không e ngại mà lao vào tìm hiểu và tập tành đầu tư vào loại tài sản mới này cùng cổ phiếu của Tesla.
Trong nhiều bài phỏng vấn sau này, Justin đã vài lần nhắc lại khoảng thời gian này và cho biết anh đã kiếm được vài chục triệu nhân dân tệ nhờ Bitcoin.
Trong quá trình đầu tư Bitcoin, anh đã nhận thấy được tiềm năng to lớn của tài chính trên Internet và quyết định trở về nước phát triển sự nghiệp; dù trước đó, anh đã chuẩn bị nộp đơn vào trường luật với ý định ban đầu là tiến vào Phố Wall.
Phát triển sự nghiệp nơi quê nhà
Khởi đầu bằng Ripple Labs
Ngay sau khi về nước, Justin Sun đã sớm gia nhập Ripple Labs – một startup vào thời điểm đó với tham vọng tạo ra một hệ thống thanh toán xuyên biên giới với XRP, loại tiền điện tử lớn thứ tư theo vốn hóa thị trường.
Là nhân viên đầu tiên của Ripple tại nước này, anh đã trở thành đại diện chính của công ty tại khu vực Trung Quốc rộng lớn hơn và sau đó trở thành cố vấn.
Cũng vào thời gian đó, Justin bắt tay vào việc tạo ra vùng trời riêng của mình – Peiwo.
Thành tựu đầu tiên
Với cái đầu nhanh nhạy và tham vọng to lớn, Peiwo – một ứng dụng truyền thông xã hội kết nối những người dùng có cùng suy nghĩ thông qua các cuộc trò chuyện âm thanh trực tiếp dựa trên các mẫu giọng – ra đời.
Nền tảng này đã nhanh chóng trở nên phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc. Một báo cáo năm 2018 cho biết người dùng ứng dụng chủ yếu ở độ tuổi từ 16 đến 25; với hơn mười triệu người dùng đã đăng ký và hơn một triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
Tiểu Jack Ma của Trung Quốc
Trước thành công nhanh chóng của Justin cùng bề dày thành tích học tập; Jack Ma – nhà sáng lập và cũng là CEO huyền thoại của gã khổng lồ trực tuyến Alibaba – đã chú ý đến chàng trai trẻ và đích thân mời anh trở thành một trong 30 sinh viên đầu tiên của Đại học Hupan năm 2015.
Nếu bạn chưa biết về Hupan, Blogtienao sẽ giới thiệu ngắn gọn về trường đại học dành cho doanh nhân này như sau:
- Chỉ nhận 30 đến 40 sinh viên mỗi năm
- Tỷ lệ chọi gay gắt hơn cả các trường trong khối Ivy League
- Được thành lập bởi tỷ phú Jack Ma
- “Giáo sư” là những doanh nhân có tầm ảnh hưởng nhất Trung Quốc hiện nay
Sun theo học tại ngôi trường này trong ba năm và tốt nghiệp vào năm 2018 với luận án có tên là “Sự ra đời của Internet phi tập trung”.
Dù hiện vẫn chưa rõ những môn học mà Sun đã học tại đây là gì; nhưng anh cho biết Hupan đã dạy anh cả giá trị đạo đức lẫn kinh doanh, điều mà anh háo hức thực hiện trong tất cả các dự án kinh doanh sắp tới của mình.
Dự án mang tên Tron ra đời
Dù đã thành công với “đứa con” đầu tiên Peiwo nhưng dường như Justin sun vẫn chưa hài lòng với thành quả. Vì thế vào tháng 7/2017, khi vẫn còn học tập tại Hupan, Justin đã cho ra mắt cơ sở hạ tầng của một hệ thống Internet thực sự phi tập trung có tên Tron và thành lập một công ty Blockchain riêng.
Để tài trợ cho dự án đầy tham vọng này, Tron Foundation đã tiến hành một đợt ICO trên Binance từ ngày 31/8/2017 đến ngày 2/9/2017, huy động được 70 triệu USD. Chưa đầy một năm sau, Tron đã mua lại BitTorrent – dịch vụ chia sẻ tệp p2p – với giá khoảng 126 triệu USD.
Nghi án đạo văn và cuộc “khẩu chiến” với nhà sáng lập Ethereum
Tuy nhiên, chưa ăn mừng được bao lâu với những thành công vang dội của Tron thì Justin đã phải đương đầu với những thị phi đạo văn. Cụ thể, vào tháng 1/2018, nhà sáng lập Protocol bất ngờ đăng một tweet cho biết có ít nhất 9 trang trong whitepaper của TRON đã copy y chang whitepaper của IPFS và Filecoin.
Wow! Absurd! TRON’s “paper” is mostly copied from other projects, or is super basic p2p passed off as original. Zero references.
Archived that PDF in IPFS, in case they take it down: https://t.co/jv7EuSYenL pic.twitter.com/GbiL7MUrnc
— Juan Benet (@juanbenet) January 7, 2018
Qua một số bằng chứng thì đúng là whitepaper của Tron có nhiều điểm tương đồng với IPFS và Filecoin nhưng lại không ghi nguồn tham khảo.
Tuy nhiên, Justin Sun đã ngay lập tức liên tiếng giải thích:
Phiên bản gốc của whitepaper là bản tiếng Trung và chúng tôi có trích dẫn nguồn cụ thể trong phiên bản mới nhất. Còn các phiên bản tiếng Anh, Hàn, Nhật và Tây Ban Nha thì được tham gia dịch bởi các tình nguyện viên. Những bản dịch ấy còn thiếu sót một số chi tiết quan trọng chứ không phải chỉ có thiếu chú thích.
Our original version of the whitepaper is in Chinese and we have a very detailed reference to the latest Chinese version. The English, Korea, Japanese and Spanish versions are translated by the volunteers. The translation missed numerous important details not just reference.
— Justin Sun (@justinsuntron) January 8, 2018
Vụ việc được lắng xuống khi TRON gỡ bỏ cả whitepaper tiếng Trung lẫn tiếng Anh khỏi website của mình vào thời điểm ấy.
Tuy nhiên, vấn đề đạo văn được “đào” lại một lần nữa vào tháng 6 cùng năm, Vitalik Buterin – nhà sáng lập Ethereum – nói rằng Tron đã sao chép code của Ethereum nhưng không ghi nguồn:
8. Better white paper writing capability (Ctrl+C + Ctrl+V much higher efficiency than keyboard typing new content)
— vitalik.eth (@VitalikButerin) April 6, 2018
Không thể yếu thế hơn, chàng CEO trẻ tuổi đã lên tiếng phản bác và tuyên bố rằng Tron tốt hơn ETH nhiều. Và mời Buterin xem xét mã nguồn Tron tại kho lưu trữ Github của dự án.
Thế nhưng tweet so sánh Tron với ETH của Justin đã khiến anh bị chỉ trích rất nhiều, cả từ người dùng Tron lẫn các nhân vật trong khác trong ngành.
“Quỹ giải cứu” cho các nhà phát triển ETH và EOS
Vào cuối năm 2018, CEO trẻ tuổi của hệ sinh thái Tron đã đăng một tweet về chuyện anh sẽ lập ra một quỹ giải cứu các nhà phát triển Ethereum và EOS. Có lẽ viết ra điều này, Justin Sun chắc hẳn đã rất tự tin với sức mạnh của hệ sinh thái Tron cùng tầm nhìn phát triển của mình.
Và tất nhiên, tweet này của anh không được nhiều người chào đón, nhất là hai “nhân vật” được đề cập.
Chơi lớn khi Giveaway Tesla
Có thể nói chưa có một CEO nào trong ngành tiền điện tử dám chơi lớn như nhà sáng lập Tron. Một lần nữa, anh chàng này đã làm mọi người phải trầm trồ khi vào mùa xuân năm 2019, để ăn mừng thành công của Tron và BTT, Jusyin thông báo sẽ tổ chức airdrop trị giá 20 triệu USD cùng với một giveaway là chiếc Tesla sang chảnh.
Tuy nhiên, đoạn clip về quá trình rút thăm đã không thể tải lên Twitter do… tệp quá cỡ. Sau đó, một vấn đề khác đã xuất hiện khi có đến hai nhân vật trúng giải. Tiếp theo là Justin bất ngờ xóa tất cả các tweet liên quan đến nhân vật được công bố là trúng giải.
Quá nhiều điều kỳ quặc trong một giveaway và người chiến thắng đã lên tiếng tố cáo Justin là kẻ lừa đảo. Nhưng mọi chuyện vẫn chưa thể dừng lại tại đó do anh chàng lên tiếng đổi lại giải thưởng, từ Tesla sang… vé dự hội nghị???
However, I do recognize that this is an unfortunate situation, and would like to extend my warmest welcome to the next #niTROn summit in 2020, including a fully paid round-trip ticket to the event location. We are very grateful for your continued support. #TRON
— Justin Sun (@justinsuntron) March 29, 2019
Và tất nhiên, cả cộng đồng crypto lại “mắt tròn mắt dẹt” nhìn Justin khi không hiểu sao anh lại có cái ý tưởng như vậy. Chỉ vài giờ sau khi đăng tweet trên, chàng CEO trẻ tuổi đã phải đăng một thông báo khác trên Medium:
Nhân dịp đang vui, tôi sẽ tặng hai chiếc Tesla để tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình là tạo sự minh bạch, độ tin cậy và cởi mở về blockchain. Chúng tôi đã tiếp cận với cả hai người tham gia, bao gồm cả người chiến thắng thứ hai tại Việt Nam, một người dùng có tên @LeoHuynhPro.
Đến đây thì mọi chuyện về chiếc Tesla mới có thể khép lại.
Bị cảnh sát bắt giữ và bữa trưa triệu đô với Warren Buffett
Không bao lâu sau câu chuyện Tesla, Justin Sun tuyên bố chi 4.5 triệu USD để mời Warren Buffett ăn trưa, nhằm thay đổi suy nghĩ cực đoan của ông về Bitcoin. Cộng đồng một lần nữa đồn đoán, đây phải chăng là chiêu trò PR khác của Justin?
Giải thích thêm vì sao Justin phải chi số tiền lớn như thế để mời nhà tỷ phú ăn trưa. Thực chất đây là “sự kiện diễn ra hàng năm” mà Warren tổ chức trong vài thập kỷ qua. Số tiền sẽ được quyên góp cho tổ chức từ thiện Glide Foundation.
Theo kế hoạch, bữa trưa sẽ diễn ra vào 25/7 nhưng đến 23/7, Tron Foundation thông báo bữa trưa sẽ dời lại do CEO bị sỏi thận. Tuy nhiên, đúng thời điểm đó, một số kênh truyền thông tại Trung Quốc đưa tin Sun đã bị hạn chế xuất cảnh để điều tra về các tội danh liên quan đến rửa tiền, gây quỹ bất hợp pháp, khiêu dâm và đánh bạc.
Ngay lập tức, Justin lên tiếng phản đối và nói rằng mình đang nghỉ ngơi do điều trị sỏi thận tại căn hộ ở San Francisco và cũng bác bỏ cả những cáo buộc vi phạm pháp luật
Sau khi cuộc điều tra hoàn tất và được trả lại sự trong sạch, cuộc gặp với Warren Buffet được lên lịch một lần nữa vào ngày 23/1. Trong bữa trưa này có sự tham gia của CEO eToro Yoni Assia, Giám đốc Quỹ từ thiện Binance Helen Hai, nhà sáng lập Litecoin Charlie Lee và CFO Huobi Chris Lee.
Được biết Justin có mời Tổng thống Donald Trump, CEO Binance Changpeng Zhao và Vitalik Buterin, nhưng những nhân vật đã không trả lời hoặc từ chối tham dự.
Forbes xướng tên
Với những thành công được ghi nhận, Justin Sun đã được góp mặt vào danh sách “30 under 30” Trung Quốc của Forbes trong cả năm 2015 và 2017.
Ở tuổi 26, Sun lọt vào danh sách “30 under 30” châu Á của Forbes 2017 trong mục “Công nghệ Tiêu dùng”. Được phát hành hàng năm, danh sách này của Forbes ghi nhận 30 nhân vật xuất sắc dưới 30 tuổi trong lĩnh vực kinh doanh.
Sợ tuổi già và cuồng công việc
Có lẽ chính sự thiếu thốn tình cảm gia đình từ bé khiến Justin Sun luôn khao khát muốn nhận được sự quan tâm. Như một người bạn của anh cho biết:
Anh ấy hay bất an và hy vọng rằng sẽ có một điều gì đó luôn hỗ trợ anh. Sự nổi tiếng có thể làm những người khác cảm thấy bị gò bó nhưng lại trở thành một điều cần thiết đối với anh ấy.
Trong một bài phỏng vấn khác, chang trai trẻ Justin cho biết anh sợ già và rất quan tâm đến hình ảnh của mình. Vào cuối năm 2014, để trông trẻ hơn, anh đã trải qua một cuộc phẫu thuật cận thị. Và để giữ dáng, anh buộc mình ăn nhiều salad.
Ngoài ra, sự nghiệp đối với anh mà nói ngoài thành công thì chính là thất bại, không có “vùng xám”. Bên cạnh đó, Justin cho biết anh cũng là một người cuồng công việc.
Ngoài trừ giờ để ngủ, tất cả thời gian còn lại tôi đều muốn dành cho công việc, nếu không tôi sẽ có có cảm giác tội lỗi mạnh mẽ…
Đây là một kỷ nguyên mà tất cả đều đang diễn ra rất nhanh. Tôi không được bỏ lại phía sau.
Và cũng chính vì lối suy nghĩ này đã khiến Justin và bạn gái chia tay nhau:
Mỗi kỳ nghỉ lễ, cô ấy muốn cùng tôi đi du lịch. Tôi thấy thật lãng phí thời gian. Bạn thấy chỗ đó thật tốt, vậy chỉ cần xem video trên Internet? Tại sao bạn cần dành nhiều thời gian cho nơi đó? Có giá trị nào được tạo ra khi ấy?
Lời kết
Hi vọng qua bài viết này, mọi người đã đọc được những thông tin thú vị về Justin Sun. Nếu thấy bài viết này hay thì mọi người hãy like, share và đánh giá 5 sao để Blogtienao có thêm động lực viết những bài viết chất lượng hơn nhé!
Cảm ơn mọi người!