Biểu tưởng con gấu và con bò tót có ý nghĩa gì trong thị trường chứng khoán cũng như thị trường tiền mã hóa. Chúng ta thường nghe nhắc tới thuật ngữ “Thị trường con bò tót” và “thị trường con gấu” trong các bài phân tích kỹ thuật, vậy chính xác nó là gì, hãy cùng Blogtienao tìm hiểu nhé.
Nổi tiếng hơn cả là đó là tượng con bò to lớn dựng ở ven lề đường dẫn vào công viên Bowling Green, rất gần Phố Wall nên còn được gọi là Con bò Phố Wall.
Con bò này là tác phẩm điêu khắc của nghệ nhân Arturo Di Modica, bằng đồng hùng dũng làm biểu tượng cho sức mạnh của người Mỹ trong việc làm kinh tế sau vụ thị trường chứng khoán Phố Wall sụp đổ năm 1987.
Con bò này đã xuất hiện trên nhiều vỉa hè của thành phố New York nhưng rồi đã trụ vững bên hông công viên Bowling Green từ ngày 15/12/1989. Đầu bò hướng về Broadway, được gọi là kinh đô kịch nghệ Mỹ. Ông Di Modica mô tả con bò ở trạng thái sẵn sàng lao mạnh về phía trước, húc tung mọi rào cản để biểu trưng cho sự tăng tốc, phát triển cực mạnh của thị trường chứng khoán. Thời gian qua đi, tượng bò càng nổi tiếng hơn cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán New York. Không có du khách nào tham quan Khu tài chính Phố Wall mà lại quên thăm bò, chụp ảnh kỷ niệm với bò.
Biểu tượng chú bò nổi tiếng ở phố Wall
Vậy “Thị trường con gấu” (bear market) và “Thị trường con bò tót” (bull market) là gì? Nó biếu hiện cho xu hướng gì của thị trường và nói lên điều gì? Sau đây, chúng ta cùng tìm hiểu về các thuật ngữ này.
Khái niệm
Thị trường con bò tót dùng để chỉ một thị trường đang trên đà đi lên. Điều đó đặc trưng bởi sự gia tăng đều đặn thị giá của các CP (cổ phiếu). Trong thời gian thị trường là “con bò tót”, giới đầu tư có niềm tin rằng, một xu hướng đi lên sẽ còn tiếp tục.
Thị trường con gấu là thị trường đang xuống dốc. CP không ngừng rớt giá và kết quả là một xu hướng trượt dốc mà NĐT tin rằng sẽ tiếp diễn trong thời gian dài.
Thị trường gấu đã chiếm ưu thế trong suốt năm 2018 vừa qua
Đặc trưng của thị trường
1) Cung và cầu chứng khoán: trong một thị trường con bò tót, cầu chứng khoán cao hơn cung. Nói một cách khác, nhiều NĐT muốn mua, trong khi rất ít người muốn bán. Kết quả là giá CP tăng. Trong khi đó, ở thị trường con gấu, sẽ có nhiều người muốn bán hơn là muốn mua. Cầu thấp đáng kể so với cung và tất yếu dẫn đến giá CP giảm.
2) Tâm lý NĐT: Trong thị trường con bò tót, hầu hết NĐT cảm thấy hứng thú với thị trường, họ sẵn sàng tham gia vào thị trường với hy vọng sẽ thu được lợi nhuận. Ngược lại, trong một thị trường con gấu, tâm lý NĐT là tiêu cực, khiến họ tháo chạy khỏi thị trường và điều này đôi khi lại đẩy thị trường trượt dốc mạnh hơn.
3) Sự thay đổi trong hoạt động kinh tế: Một thị trường con gấu thường liên quan đến một nền kinh tế yếu kém, khi hầu hết DN không có lợi nhuận cao. Tất nhiên, sự sụt giảm lợi nhuận này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến cách thức thị trường định giá các CP. Còn trong một thị trường con bò tót, điều ngược lại sẽ xảy ra.
Các thuật ngữ này bắt nguồn từ đâu?
Thật ra không có thông tin chính xác về nguồn gốc của các thuật ngữ này, nhưng dưới đây là hai giả thuyết phổ biến nhất:
1) Về sự đặc trưng của hình thái, thị trường con gấu và con bò được đặt tên theo cách mà các con vật này tấn công các nạn nhân của chúng. Cách tấn công đặc trưng của một con bò tót là nó giương sừng lên cao tấn công về phí trước, trong khi một con gấu, sẽ đánh mạnh bộ vuốt xuống nạn nhân của nó.
2) Về mặt lịch sử, những người môi giới trung gian trong việc mua bán da gấu sẽ bán những bộ da mà họ chưa từng nhận được, và theo ngôn ngữ bây giờ, họ chính là các short-seller (những người kinh doanh thu lời nhờ vào việc giá chứng khoán giảm). Sau khi đã thỏa thuận, cam kết xong xuôi với các khách hàng về các bộ da gấu đã được trả giá trước, những nhà môi giới này sẽ hi vọng giá mua vào da gấu từ các thợ săn trong tương lai gần sẽ giảm xuống thấp hơn giá hiện tại. Nếu sự giảm giá đó thật sự xảy ra, họ sẽ có thêm được một khoản lợi nhuận cá nhân từ khoảng chênh lệch giữa hai mức giá. Những người môi giới trung gian này được biết đến với cái tên “bear” (con gấu), rút gọn của “bearskin jobber” (người đầu cơ da gấu). Và kể từ đó thuật ngữ này được dùng rộng rãi để chỉ một ai đó mong muốn hay kì vọng thị trường sẽ đi xuống.
Nguồn: Tổng hợp
Biên soạn lại bởi Blogtienao.com