DCEP là gì? Tổng quan về tiền kỹ thuật số quốc gia của Trung Quốc DCEP/CBDC

DCEP là gì?

DCEP  gì?   

DCEP (Digital Currency Electronic Payment, DC/EP) là tiền tệ kỹ thuật số quốc gia của Trung Quốc. Chúng sẽ được xây dựng bằng công nghệ Blockchain và mật mã học.

Loại tiền điện tử mang tính cách mạng này  thể trở thành đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) đầu tiên trên thế giới, do nó được phát hành bởi ngân hàng nhà nước (PBoC). 

Mục tiêu của đồng tiền này là tăng cường sự lưu thông của đồng Nhân dân tệ và mở rộng phạm vi tiếp cận quốc tế. Và đích đến cuối cùng của dự án là giúp đồng Nhân dân tệ trở thành một loại tiền tệ toàn cầu giống như đồng đô la Mỹ.

Trung Quốc gần đây đã xây dựng một lộ trình để thúc đẩy việc áp dụng công nghệ Blockchain, với mục tiêu đánh bại các đối thủ cạnh tranh như Libra của Facebook – một loại tiền tệ mà CEO Facebook Mark Zuckerberg tuyên bố sẽ trở thành cuộc cách mạng FinTech tiếp theo.

Tước đây, chính quyền Trung Quốc đã từng tuyên bố rõ ràng rằng Libra sẽ gây ra mối đe dọa đối với chủ quyền (tiền tệ) của quốc gia này, nhấn mạnh rằng tiền kỹ thuật số chỉ nên được phát hành bởi các chính phủ và ngân hàng trung ương.

DCEP sẽ không được niêm yết trên các sàn giao dịch tiền điện tử và sẽ không dùng để đầu cơ giá trị.

DCEP: Tiền tệ kỹ thuật số hợp pháp duy nhất tại Trung Quốc 

DCEP không phải là stablecoin của bên thứ 3 (chẳng hạn như đồng Tether “CNHT” được chốt với đồng Nhân dân tệ theo tỷ lệ 1:1), mà chúng là loại tiền tệ được tạo ra bởi chính phủ Trung Quốc và là loại tiền điện tử hợp pháp duy nhất tại quốc gia này. (Các loại tiền điện tử như Bitcoin không được công nhận là hợp pháp ở đất nước tỷ dân).

Huang Qifan (Chủ tịch Trung tâm Giao dịch Kinh tế Quốc tế Trung Quốc) cho biết họ đã làm việc về DCEP từ 5 đến 6 năm nay và hoàn toàn tự tin rằng chúng có thể được giới thiệu là hệ thống tài chính của đất nước.

DCEP hiện đang được triển khai bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. 

DCEP có thể thu thập dữ liệu theo thời gian thực liên quan đến việc “in tiền”, ghi sổ kế toán, v.v., cung cấp tài liệu tham khảo hữu ích cho việc cung cấp tiền và thực hiện các chính sách tiền tệ.

Tại sao Trung Quốc lại quyết định chọn phát triển một loại tiền tệ kỹ thuật số? 

Ý nghĩa của DCEP là chúng được thiết kế để thay thế hệ thống tiền dự trữ (Reserve Money) cắt giảm chi phí trong việc chuyển khoản ngân hàng. Bên cạnh đó, tiền tệ kỹ thuật số trung ương sẽ giúp giảm thiểu rủi ro so với các giao dịch tiền giấy như vấn nạn tiền giả, rửa tiền và tài trợ các hành vi bất hợp pháp.

Một số người tin rằng việc giám sát tài chính và tiền tệ sẽ được cải thiện, do các nhà quản lý có thể giám sát tốt hơn đối với các giao dịch tiền tệ kỹ thuật số. Ngoài ra, DCEP cũng có thể giảm chi phí liên quan đến việc duy trì và tái chế tiền giấy, tiền xu.

Về cơ bản, DCEP đã sẵn sàng trở thành một phiên bản kỹ thuật số của đồng Nhân dân tệ.  Hơn nữa, việc phát hành DCEP có lợi cho việc thúc đẩy quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và định hình lại hệ thống thanh toán quốc tế hiện tại.

Điều này là do trước khi Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên quốc gia bằng đồng Nhân dân tệ (CIPS) đi vào hoạt động vào đầu tháng 10/2015, thì việc thanh toán và bù trừ qua biên giới bằng Nhân dân tệ chủ yếu được thực hiện thông qua CHIPS (Hệ thống thanh toán liên ngân hàng của Clearing House) hoặc SWIFT (Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu).

Tuy nhiên, một số người cho rằng cả hệ thống CHIPS và SWIFT đều có những hạn chế lớn (đối với Trung Quốc).

Thứ nhất, CHIPS là công ty của Hoa Kỳ. Thứ hai, SWIFT có vị thế quan trọng trong hệ thống ngân hàng quốc tế, nên việc sử dụng SWIFT để chuyển khoản giữa các quốc gia là điều cần thiết và đó được coi là nguyên nhân khiến người Trung Quốc lo ngại. Vì bất kỳ ai kiểm soát trung tâm dữ liệu của SWIFT sẽ có quyền truy cập vào hầu hết mọi thông tin hoạt động chuyển tiền quốc tế.

Nhiều người ở Trung Quốc tin rằng những người đang theo dõi hoạt động của họ chính là người Mỹ, vì SWIFT tuyên bố là một tổ chức quốc tế trung lập, 12 trong số 25 giám đốc đến từ Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh. Ngoài ra, dữ liệu giao dịch tại đây đã từng bị phát hiện là đã được cung cấp cho phía chính phủ Hoa Kỳ.

Do đó, nhiều người cho rằng Trung Quốc đang bị Hoa Kỳ kìm hãm thông qua hệ thống SWIFT. Chính vì thế, Trung Quốc yêu cầu có một hệ thống ngân hàng trên toàn thế giới của riêng mình – tức là DCEP.

Theo truyền thông Trung Quốc, DCEP được coi là “Làn sóng thứ 3” nhằm vào Hoa Kỳ.

Lịch sử và sự phát triển của DCEP

Dự án phát triển DCEP bắt đầu vào năm 2014 với việc thành lập một viện nghiên cứu dành riêng cho tiền tệ kỹ thuật số và xem xét cách cải thiện hệ thống đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc bằng công nghệ blockchain.

Tuy nhiên, trong thời gian từ 2014 đến 2018, quá trình phát triển khá chậm chạp, có thể là do bản chất phi tập trung của Bitcoin hoặc blockchain không tương thích với bản chất của đồng Nhân dân tệ – một loại tiền tệ quốc gia hợp pháp.

Thế nhưng, mọi thứ nhanh chóng khởi sắc vào cuối năm 2019. Có thể nói, điều tác động trực tiếp là do Facebook chuẩn bị ra mắt Libra. Đặc biệt là khi các thành viên trong Hiệp hội Libra và các loại tiền tệ mà Libra sẽ hỗ trợ không hề có bóng dáng của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Do đó, trước sức nóng của cuộc cạnh tranh, ngân hàng trung ương Trung Quốc cảm thấy áp lực to lớn trong việc khẩn trương tăng tốc trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, hướng tới một loại tiền kỹ thuật số.

Cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Quỹ An sinh Xã hội của PBoC thông báo vào ngày 22/6/2020 rằng Trung Quốc đã hoàn thành cơ sở hạ tầng phụ trợ cho DCEP. Cùng với đó, các thành phố của Trung Quốc, các công ty nước ngoài và các địa điểm tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2022 do Trung Quốc đăng cai tổ chức sẽ tham gia thử nghiệm thí điểm DCEP.

DCEP không phải để đầu cơ

Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng rằng tiền tệ kỹ thuật số quốc gia của họ không phải để đầu cơ. Giám đốc Viện tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Mu Changchun cho biết chúng là “một dạng kỹ thuật số của đồng nhân dân tệ”, là một loại tiền tệ được phát hành tập trung, có chủ quyền và sẽ không có hành vi đầu cơ đối với giá trị của chúng.

Điều này đã gây thất vọng cho cộng đồng mạng ở Trung Quốc, một số cư dân mạng đã bình luận: “Vậy sẽ chẳng có gì thú vị cả” trên trang Sina.

Đồng tiền tệ này không phải để đầu cơ. Chúng khác với Bitcoin hoặc với stablecoin – Mu Changchun

Và chẳng ai có thể khai thác DCEP hoặc staking trên mạng DCEP.

Triển khai và phân phối

Theo tạp chí Caijing, các tổ chức thí điểm DCEP sẽ là 4 ngân hàng lớn gồm: Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Công thương Trung Quốc.

Việc triển khai ban đầu này sẽ là thử nghiệm phân phối như với một hệ thống tiền tệ, xác nhận tính bảo mật của hệ thống. Trong giai đoạn hai, DCEP sẽ được phân phối cho các công ty fintech lớn như Tencent và Alibaba để được sử dụng trong WeChat Pay và AliPay.

DCEP sẽ hoạt động trên một hệ thống hai tầng

Việc phát hành và phân phối DCEP sẽ dựa trên một hệ thống hai tầng.

Tầng đầu tiên sẽ là những giao dịch giữa PBoC (ngân hàng nhà nước) và bên trung gian. Các trung gian này sẽ là các tổ chức tài chính (ví dụ như 4 ngân hàng lớn được nêu ở trên) và các tổ chức phi tài chính như Alibaba, Tencent và UnionPay. Tại đây, PBoC sẽ cấp DCEP cho các bên trung gian.

Tầng thứ hai sẽ là giữa bên trung gian và những người tham gia vào thị trường bán lẻ như các công ty và các cá nhân. Ở tầng này, bên trung gian đã nhận được DCEP sẽ phân phối chúng cho những người tham gia bán lẻ để chúng được lưu thông trong thị trường, ví dụ như thông qua những người mua đồ tại các cửa hàng,…

Tuy nhiên, sự khác biệt chính trong việc phát hành và phân phối DCEP so với tiền mặt truyền thống là DCEP sẽ được chuyển qua ví điện tử, thay vì tài khoản ngân hàng.

DCEP sẽ hoạt động trên một hệ thống hai tầng

Trung Quốc đã hoàn thành cơ sở hạ tầng phụ trợ cho DCEP

Trung Quốc đã hoàn thành cơ sở hạ tầng phụ trợ cho DCEP, cũng như thiết lập các tham số, nghiên cứu và phát triển các chức năng của chúng, thử nghiệm gỡ lỗi chung,… mặc dù vẫn cần phải thử nghiệm liên tục.

Theo các cư dân mạng thu được ảnh chụp màn hình từ phiên bản beta kín, ví DCEP sẽ hỗ trợ một số chức năng chính gồm: giao dịch tài sản kỹ thuật số, quản lý ví, khả năng tra cứu các giao dịch trong quá khứ. Các chức năng khác gồm thanh toán qua mã QR, chuyển tiền và thanh toán di động.

Các hình ảnh khác được lưu hành trên mạng dường như là của ví DCEP thuộc Ngân hàng Trung Quốc. Như bạn thấy, ví sẽ cho phép gửi – nhận và chuyển đổi tiền tệ,… với một giao diện đơn giản và có hiển thị lịch sử giao dịch của người dùng.

DCEP sẽ được test như thế nào?

Vào ngày 17/8/2020, CCTV 2 – một đài truyền hình quốc gia Trung Quốc – xác nhận rằng DCEP sẽ trải qua thử nghiệm thí điểm đầu tiên có tên “phương pháp 4 + 1”. Nghĩa là trước tiên sẽ có các cuộc thử nghiệm thí điểm kín ở Thâm Quyến, Thành Đô, Tô Châu, Tây An và một số địa điểm nơi Thế vận hội mùa đông 2022 sẽ được tổ chức.

Báo cáo từ CCTV cũng đã xác nhận rằng một số quan chức chính phủ ở Tô Châu đã nhận được một phần tiền lương của họ bằng DCEP.

Các nhà phân tích tin rằng trước khi chương trình thử nghiệm được mở rộng trên quy mô lớn, các cơ quan quản lý tiền tệ sẽ cần giải quyết các vấn đề chính như vấn đề kỹ thuật và xúc tiến thị trường để người dân quen với việc sử dụng tiền kỹ thuật số hơn.

Cuối cùng, các cuộc thử nghiệm sẽ được mở rộng đến 28 tỉnh thành; bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Khu vực Siêu đô thị Hồng Kông-Ma Cao. Việc mở rộng có nghĩa là phạm vi của thử nghiệm thí điểm có thể bao gồm cả cơ sở người dùng tiềm năng với khoảng 400 triệu người (~ 29% dân số Trung Quốc).

Các công ty nước ngoài như McDonalds, Starbucks cũng sẽ thử nghiệm DCEP

Cùng với một số khách sạn địa phương, siêu thị tự động, trạm bưu kiện tự động, tiệm bánh, nhà sách và phòng gym,… thì các công ty nước ngoài như Starbucks, McDonald’s và Subway cũng được cho biết là sẽ tham gia thử nghiệm DCEP.

Thông báo được đưa ra vào ngày 22/4/2020 tại một sự kiện do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia tổ chức. Tổng cộng có 19 công ty sẽ tham gia thử nghiệm.

Siêu thị tự động Jingdong sẽ là một trong những nơi đầu tiên thử nghiệm DCEP

CCTV của Trung Quốc đã xác nhận rằng tại Tây An, McDonalds và 19 công ty khác đã bắt đầu thử nghiệm DCEP.

Đại lý phải chấp nhận DCEP

Chính phủ đã yêu cầu tất cả các đại lý chấp nhận việc thanh toán kỹ thuật số (chẳng hạn như Apple Pay, AliPay và WeChat) thì cũng phải chấp nhận DCEP.

Điều này sẽ mang đến cho DCEP sự chấp nhận rộng rãi trên toàn quốc, với mọi đại lý có nghĩa vụ phải tham gia, nếu từ chối thì có thể sẽ bị mất giấy phép kinh doanh. Với những quy định thế này sẽ làm cho DCEP trở thành đồng tiền kỹ thuật số được chấp nhận nhiều nhất trên thế giới.

Huawei Pay hỗ trợ DCEP

Do điện thoại Huawei được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc và mối quan hệ chặt chẽ của công ty với Chính phủ nước này, nên có nhiều lời đồn đại rằng Huawei sẽ là bên đầu tiên áp dụng DCEP.

Hình ảnh rò rỉ mới nhất của ứng dụng Huawei Pay cho thấy có các kết nối trực tiếp với các ngân hàng thương mại của Trung Quốc và khả năng rút DCEP. Theo chân Huawei, công ty đối thủ Tencent cũng đã tuyên bố họ sẽ hỗ trợ DCEP trên nền tảng WeChat pay.

10 triệu Nhân dân tệ DCEP sẽ được trao cho người dân Thâm Quyến

Thâm Quyến sẽ trao cho người dân địa phương 10 triệu Nhân dân tệ (~1.47 triệu USD) bằng DCEP thông qua một cuộc xổ số vào ngày 11/10/2020. Quận La Hồ của Thâm Quyến sẽ phân phát tổng cộng 50.000 “bao lì xì” kỹ thuật số, mỗi bao chứa 200 Nhân dân tệ (~30 USD) cho những công dân đã đăng ký xổ số trên iShenzhen – một ứng dụng dịch vụ công cộng dựa trên blockchain do Chính phủ Thâm Quyến điều hành.

Người thắng cuộc sẽ được công bố vào ngày 11/10/2020 và có thể nhận được “bao lì xì” DCEP thông qua ví điện tử trên Ứng dụng Digital Renminbi. Đây là hình ảnh của những bao lì xì:

Người dân có thể sử dụng DCEP tại 3.389 cửa hàng được chỉ định ở La Hồ từ ngày 12 đến ngày 18/10/2020.

Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc ra mắt ví DCEP

Vào ngày 29/8/2020, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) đã có buổi ra mắt  ví DCEP. Khách hàng của ngân hàng sẽ thấy tính năng ví DCEP có sẵn trong ứng dụng di động của họ. Người dùng thậm chí có thể điều hướng đến ví nhân dân tệ kỹ thuật số và kích hoạt nó thông qua việc đăng ký số điện thoại di động.

Tin tức trên đã lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng tiền điện tử Trung Quốc và trên các mạng xã hội. Một số người dùng thậm chí còn có thể thực hiện các giao dịch nhỏ bằng cách liên kết tài khoản CCB của họ với ví DCEP.

Theo những hình ảnh dưới đây, có vẻ như khi kích hoạt ví, người dùng sẽ được chỉ định một ID ví cụ thể để giao dịch giữa ví và tài khoản ngân hàng của họ (hình bên trái). Giao diện chính (ảnh giữa) cũng hiển thị một số tính năng như gửi/rút tiền, xem thông tin chi tiết của giao dịch, kết nối tài khoản ngân hàng với ví DCEP, “tặng” bao lì xì, hoàn trả thẻ tín dụng, nâng cấp và hủy ví DCEP .

Hình ảnh bên phải cũng cho thấy khả năng thanh toán/nhận/chuyển tiền bằng một click đơn giản hoặc có thể “quét” ví với người dùng khác. Chức năng “bao lì xì” cũng rất thú vị, vì nó chiếm một trang trong tính năng “bao lì xì” phổ biến của WeChat, cho phép mọi người tặng một khoản tiền cho người khác. Chỉ người nhận mới thấy số tiền được tặng khi họ “mở” bao.

Tính năng này cực kỳ phổ biến trong dịp Tết Nguyên Đán, khi mà các nhà quản lý hoặc sếp sẽ gửi các “bao lì xì ảo” lên khắp nhóm trò chuyện WeChat của công ty họ để nhân viên hào hứng thu thập.

Cuối cùng, người dùng có thể gửi/nhận tiền kỹ thuật số cho người khác bằng cách nhập ID ví duy nhất của mình hoặc số điện thoại được liên kết với tài khoản ngân hàng.

Tuy nhiên, CCB đã vô hiệu hóa tính năng ví DCEP khỏi quyền truy cập công khai sau khi gây ra sự chú ý lớn. Người dùng tìm kiếm ví này bây giờ sẽ chỉ nhận được một thông báo lỗi, nói rằng chức năng này chưa chính thức khả dụng cho công chúng.

Tencent trở thành đối tác lớn của DCEP

Meituan Dianping của Tencent đã đàm phán với nhóm nghiên cứu của PBoC về việc sử dụng DCEP trong thế giới thực. Meituan Dianping tự hào có hàng tỷ đô la giao dịch hàng ngày trên nền tảng ứng dụng di động của họ, cung cấp các dịch vụ như giao đồ ăn (tương tự như UberEats), đặt phòng phục vụ bữa sáng (tương tự như AirBnb), dịch vụ gọi xe, chia sẻ xe đạp, mua sắm tạp hóa…

Về cơ bản đối với những người ở Trung Quốc, tất cả các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của bạn có thể được đáp ứng trên hệ sinh thái Meituan.

Nhóm nghiên cứu của PBoC cũng đang đàm phán với một công ty khác do Tencent hậu thuẫn, Bilibili Inc., công ty cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến. Vì vậy, trong khi các chi tiết cụ thể của mối quan hệ đối tác vẫn chưa được tiết lộ, thì có khả năng những sự hợp tác như vậy sẽ là lực đẩy rất lớn đối với việc sử dụng hàng loạt DCEP tại Trung Quốc.

Hệ sinh thái Meituan

Sự khác biệt giữa DCEP, Libra, Bitcoin và Tiền mặt

Dưới đây là bảng so sánh các tính năng khác nhau giữa DCEP, Libra, Bitcoin và tiền mặt:

Thanh toán dựa trên NFC

Theo Official Sina Blockchain, DCEP sẽ có các tùy chọn thanh toán dựa trên NFC mà không yêu cầu thiết bị phải kết nối online trong quá trình chuyển tiền. Đây sẽ được coi là sự thay thế trực tiếp tiền giấy, vì DCEP sẽ có thể sử dụng được ở những khu vực không có internet.

Ngoài ra, DCEP không yêu cầu thiết bị di động phải liên kết với tài khoản ngân hàng – có nghĩa là những ai không sử dụng ngân hàng cũng sẽ có quyền truy cập vào tiền kỹ thuật số.

Với tính năng thanh toán của DCEP, mọi người có thể chuyển tiền đơn giản bằng cách chạm hai điện thoại vào nhau mà không cần sử dụng Internet. Vì vậy, DCEP cũng không hoàn toàn giống như blockchain, mà nó là một biến thể mới.

Ủy quyền áp dụng Blockchain

Trung Quốc đã xây dựng một kế hoạch để thúc đẩy việc áp dụng Blockchain trên toàn quốc. khi Chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu tăng tốc độ phát triển công nghệ blockchain của đất nước trước Bộ Chính trị.

Bài phát biểu này cũng đã được nhắc lại bởi người đứng đầu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Li Wei. Vào tháng 4/2020, Trung Quốc đã ra mắt Mạng lưới Dịch vụ Blockchain để thống nhất tất cả các dự án liên quan đến Blockchain trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, quốc gia tỷ dân này đã áp dụng phương châm “Blockchain, không phải tiền điện tử”, theo đó mà những lợi ích của Blockchain được nhấn mạnh. Mặt khác, các loại tiền điện tử có nguồn gốc từ Blockchain bị ngăn chặn vì các sàn giao dịch tiền điện tử và ICO bị cấm tại đây.

Trung Quốc dự kiến sẽ chi 1.42 tỷ USD cho kế hoạch phát triển Blockchain vào năm 2020.

DCEP là một loại tiền tệ tập trung

DCEP là một loại tiền kỹ thuật số được điều hành trên một mạng tập trung, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có toàn quyền truy cập và kiểm soát chúng. Đây là một sự tương phản rất lớn so với Bitcoin, vốn có một mạng lưới phi tập trung mở, nơi không có bất kỳ một nhà lãnh đạo nào.

Trong trường hợp của DCEP, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có khả năng tạo ra hoặc phá hủy tiền điện tử.

Những nền tảng nào hỗ trợ DCEP?

Chỉ vài giờ sau khi DCEP được công bố, nhiều sàn giao dịch Trung Quốc (có khả năng là lừa đảo) khác nhau đã niêm yết các IOU hoặc các bản sao nhái DCEP.

Điều quan trọng cần biết là DCEP hiện chỉ được phân phối cho các ngân hàng làm việc với PBoC và sẽ không có sẵn cho công chúng. Chúng tôi đặc biệt khuyến nghị KHÔNG giao dịch DCEP cho đến khi nó được phát hành chính thức vì không có gì đảm bảo các sàn giao dịch có quyền truy cập vào tiền kỹ thuật số này.

Bản sao của DCEP đã và đang giao dịch trên các sàn giao dịch có khả năng là lừa đảo.

Làm thế nào để mua DCEP?

Hiện tại DCEP chỉ có sẵn cho các ngân hàng đang làm việc với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Được biết DCEP sẽ mở ra cho công chúng vào năm 2020 nhưng hiện vẫn chưa có sàn giao dịch tiền điện tử nào giao dịch DCEP.

DCEP có phải là một thách thức đối với hệ thống tiền tệ của Hoa Kỳ?

Rất nhiều người tin rằng điều này là có, cả từ quan điểm của Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, 1.7 tỷ người trưởng thành trên thế giới sử dụng tiền mặt vì họ không có tài khoản ngân hàng.

Tuy nhiên, 2/3 dân số này sở hữu một chiếc điện thoại di động, có thể được sử dụng để thực hiện các giao dịch tiền tệ. Đây là những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, nơi việc thanh toán di động như Alipay hoặc WeChat Pay thu hút hơn 1.7 tỷ khách hàng trên toàn quốc.

Hiện tại, hai công ty thanh toán trực tuyến trên đã xử lý nhiều khoản thanh toán hàng tháng hơn nhũng gì Paypal đã làm trong cả năm 2017 (tức là 451 tỷ USD). Ở Trung Quốc, việc những người bán hàng nhỏ lẻ chấp nhận thanh toán qua Alipay hoặc WeChat là rất phổ biến.

Alipay và WeChat đang được chấp nhận tại cửa hàng cho thuê ATV

Với cơ sở hạ tầng thanh toán ví điện thoại di động, sự hợp tác của họ với PBoC có thể là câu trả lời cho việc phân phối DCEP ra nước ngoài. Điều này sẽ phù hợp với “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

(Vành đai và Con đường là một tham vọng của chính phủ Trung Quốc. Với mục đích là xây dựng một tuyến đường thương mại mới, kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi).

Ý tưởng là với việc DCEP được sử dụng bởi ví di động, những người dân sinh sống dọc theo Vành đai và Con đường có thể được kết nối, bỏ qua hoàn toàn các cơ sở hạ tầng tài chính hiện có và tạo cơ hội cho những người không sử dụng dịch vụ thanh toán ngân hàng cho các giao dịch mua sắm trực tuyến hay tích lũy khoản tiết kiệm của họ.

Ở Hoa Kỳ, chính phủ không thấy có nhu cầu về tiền kỹ thuật số. Trong một lá thư của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell, ông nói rằng nhiều thách thức mà một loại tiền kỹ thuật số dự định giải quyết không cần áp dụng cho Hoa Kỳ.

Theo quan điểm của ông, bối cảnh thanh toán của Hoa Kỳ đã có tính cạnh tranh và sáng tạo cao, với nhiều lựa chọn thanh toán kỹ thuật số cho người tiêu dùng. Powell cũng lặp lại ý kiến ​​của các nhà lập pháp Hoa Kỳ với việc phản đối Libra, nói rằng thanh toán kỹ thuật số sẽ không hấp dẫn đối với Hoa Kỳ.

Trong khi Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện nhận thấy Libra có khả năng gây ra những lo ngại về an ninh quốc gia, thì các nhà quan sát cho rằng thách thức đến từ Trung Quốc đang không được coi trọng.

Bởi vì Trung Quốc lo lắng Libra sẽ củng cố sự thống trị của đồng đô la Mỹ nên đang tiến hành đẩy nhanh việc ra mắt DCEP. Và có khả năng nhũng mối đe dọa từ Trung Quốc sẽ vượt xa các mối đe dọa từ Libra.

Ở khía cạnh lớn hơn, một số người cho rằng DCEP có thể được sử dụng như một vũ khí chống lại Mỹ trong một cuộc chiến tranh kinh tế.

Điều này là do khi DCEP được chấp nhận trên toàn bộ Vành đai và Con đường, Trung Quốc sẽ có quyền giám sát và kiểm soát toàn bộ hoạt động kinh tế của một nửa dân số thế giới. DCEP sẽ cho phép Trung Quốc theo dõi chi tiêu và giao dịch của mọi người, đồng thời có thể thu giữ hoặc đóng băng tài sản kỹ thuật số của khách hàng trong ví di động của họ.

Ý nghĩa của DCEP đối với Bitcoin và tiền điện tử

Đầu tiên, cần lưu ý rằng DCEP và Bitcoin/tiền điện tử rất khác nhau. Điểm khác biệt chính là DCEP không nhất thiết phải sử dụng công nghệ blockchain và nó là một loại tiền tệ tập trung, hoạt động dưới sự kiểm soát của một cơ quan.

Tuy nhiên, việc quảng bá DCEP quy mô lớn trên truyền hình quốc gia vào tháng 8/2020 càng thêm chắc chắn về việc công dân Trung Quốc sẽ có một phiên bản kỹ thuật số của Nhân dân tệ. Việc triển khai dần dần DCEP cũng sẽ giúp người dân mọi tần lớp làm quen với việc sử dụng thực tế các loại tiền kỹ thuật số.

Do đó, nhiều người đang hào hứng suy đoán về khả năng kết nối giữa DCEP và các dự án blockchain hiện có – với một số dự án tuyên bố chúng sẽ là dự án đầu tiên khởi chạy trên DCEP.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng chúng tôi không biết chi tiết kỹ thuật đầy đủ của DCEP, vì vậy chúng tôi chưa rõ về những kết nối giữa blockchain và DCEP sẽ hoạt động như thế nào (nếu có).

Ngoài ra, các cơ quan chính phủ Trung Quốc hiện đang có thái độ “thù địch” với tiền điện tử, điều này chủ yếu là do một số dự án scam khổng lồ gây rúng động trong ngành tiền điện tử – chẳng hạn như Plus Token.

Do đó, chính phủ Trung Quốc đã đóng băng một số tài khoản ngân hàng bị phát hiện có liên quan đến chuyển tiền điện tử và cấm tất cả các ICO, một số sàn giao dịch tiền điện tử lớn như Binance và OKEx và một số sàn OTC.

Tuy nhiên, trong một bước ngoặt khó hiểu, các kênh truyền thông chính thức của chính quyền Trung Quốc như Tân Hoa xã và CCTV đã đưa ra các tiêu đề rằng tài sản tiền điện tử là tài sản hoạt động tốt nhất cho đến nay.

Đối tác sáng lập của Primitive Ventures, Dovey Wan đã nhận thấy rằng rất khó để giải thích ý định thực sự đằng sau sự thúc đẩy của kênh truyền thông này. Nhưng cho đến nay cộng đồng tiền điện tử Trung Quốc xem đây là một tín hiệu, cho thấy tiền điện tử đã đạt được một bước tiến mới.

Trong khi đó, trên Twitter, mọi người lại xem đây là một tín hiệu tăng giá. Hiện tại, không có bất kỳ động thái hoặc tin tức nào khác ở Trung Quốc về DCEP hoặc về tiền điện tử. Điều chúng ta có thể làm trong hiện tại là chờ xem động thái tiếp theo của Trung Quốc sẽ là gì.

DeFi sẽ thúc đẩy các chính phủ áp dụng CBDC?

Tài chính phi tập trung (DeFi) có thể được coi là ngôi sao của năm 2020 vì đã giúp hồi sinh thị trường tiền điện tử. Nhưng DeFi là gì? Nói một cách ngắn gọn thì DeFi là bên cố gắng đưa ngân hàng truyền thống vào các ngành đang phát triển, nhưng với một bước ngoặt: nó sẽ là mã nguồn mở, phi tập trung, giá rẻ và sẽ loại bỏ những người trung gian.

Vậy các ngân hàng trung ương và chính phủ có thể làm gì để duy trì hiện trạng thống trị của họ trong khi vẫn hưởng lợi từ công nghệ mà DeFi mang lại? Phương án duy nhất là tạo ra CBDC.

Trong một bài báo của Forbes , tác giả nói rằng CBDC sẽ là một động thái tích cực đối với các chính phủ vì nó token hóa tiền tệ, đồng thời cho phép người dùng tận hưởng những lợi thế như phí giao dịch rẻ hơn, nhanh hơn.

Bài báo cũng đề cập đến phạm vi bao phủ của DCEP và thảo luận về tiến độ của Trung Quốc trong việc thử nghiệm DCEP, tương phản với tiến độ giới thiệu CBDC ở Mỹ.

Tuy nhiên, bài báo lưu ý rằng các chính phủ và các tổ chức sẽ cần phải nhanh chóng bắt kịp khi các giải pháp DeFi mới trong thanh toán, thế chấp, bảo hiểm, v.v. đang được tạo ra hàng tuần và ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Khi nào DCEP sẽ chính thức ra mắt?

Vẫn chưa có thời gian cụ thể về ngày ra mắt chính thức của DCEP. Tuy nhiên hiện tại, một số chuyên gia đã tiết lộ với China Daily – một hãng tin ở Trung Quốc – rằng trước khi DCEP chính thức ra mắt, vẫn có thể cần phải điều chỉnh các kế hoạch ban đầu vì tình hình “phức tạp” hơn nhiều.

Các chuyên gia cũng tiết lộ rằng không rõ liệu DCEP có thể ra mắt vào nửa cuối năm 2020 hay không, mặc dù kế hoạch phát triển của chúng chắc chắn đã được PBoC đẩy mạnh.

DCEP có được hỗ trợ bởi Vàng không?

Câu trả lời là “Không”. Trong một tuần san gần đây của Kitco News, nhà báo Max Kaiser tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ tung ra một loại tiền điện tử được hỗ trợ bằng vàng, với ý định phá hủy tính năng là tài sản dự trữ của đồng đô la Mỹ. Ông nói thêm rằng Trung Quốc đã tích trữ tới 20.000 tấn vàng.

Tuy nhiên, đây chỉ là suy đoán vì Trung Quốc không có kế hoạch phát hành tiền điện tử được hỗ trợ bằng vàng.

Liệu DCEP có tương thích với các loại tiền điện tử khác không?

Có nhiều kế hoạch xây dựng các cổng cho phép sưap DCEP sang các loại tiền điện tử khác. Các dự án như Algorand đã tuyên bố rằng họ muốn hỗ trợ DCEP và xây dựng các cầu nối khả thi để swap loại tiền này.

Tuy nhiên, do các chi tiết kỹ thuật của DCEP chưa được tiết lộ đầy đủ nên những “cây cầu” như vậy vẫn chưa được xây dựng.

Kết luận

Hi vọng Blogtienao đã mang đến cho bạn một cái nhìn chi tiết về đồng DCEP. Nếu còn gì thắc mắc hoặc đóng góp ý kiến, bạn hãy viết ngay phần bình luận bên dưới hoặc inbox cho BTA trên Facebook nhé.

Chúc bạn luôn thành công!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *