FOMO, FUD là gì? Cách vượt qua hội chứng tâm lý này trong TradeCoin?

FOMO, FUD hay hội chứng (hiệu ứng) tâm lý FOMO, FUD là những thuật ngữ được các trader trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là Crypto, nhắc đến rất nhiều trong các cộng đồng lớn, ví dụ câu nói mà các trader hay nhắc nhau như “đừng nên Fomo kèo này đu đỉnh đấy” hay “không nên Fud mà bán coin này tốt đó“. Hai hội chứng tâm lý này thường gặp phải ở các trader mới vào nghề dẫn tới hậu quả ít nhiều. Vậy FOMO là gì? FUD là gì?Làm sao để vượt qua được hai hội chứng tâm lý nguy hiểm này? Hãy cùng Blog tiền ảo tìm hiểu nhé!

FOMO và FUD là gì?

FOMO là gì?

FOMO là viết tắt của chữ Fear Of Missing Out, hiểu nôm na là sợ bị bỏ lỡ, mất cơ hội. Những người mắc phải hội chứng FOMO này thường có cảm giác sợ hãi về việc bản thân sẽ bỏ lỡ một điều gì đó. Cảm giác này ám ảnh người mắc phải rằng những người xung quanh sẽ đạt được thứ gì đó mà mình không được. Từ đó, hội chứng này thôi thúc người mắc phải phải hành động gì đó tại thời điểm thiếu lý trí, dẫn đến quyết định sai lầm, gây ít nhiều hậu quả.

Trong Trade coin, FOMO là cảm giác khi một đồng coin nào đó đang trên đà tăng giá mạnh mẽ trong thời gian ngắn, khi đó bạn nghĩ đến việc các Trader khác đang có một “khoản lời” lớn và điều này thúc đẩy bạn mua coin đó ngay lập tức để kiếm lời, hành động này được gọi là FOMO.

FUD là gì?

FUD là viết tắt của từ Fear – Uncertainty – Doubt, hiểu nôm na là Sợ hãi – Không chắc chắn – Nghi ngờ. FUD là chiến thuật tung tin giả được sử dụng trong kinh doanh, marketing, chính trị, tuyên truyền… Chiến thuật FUD làm ảnh hưởng đến nhận thức bằng cách tạo ra các thông tin tiêu cực, sai lệch.

Trong trade coin, FUD chỉ cảm giác hoang mang, sợ hãi của trader khi có những tin tức không tốt về thị trường trên phương tiện truyền thông. FUD dẫn đến việc bán tháo coin một cách không cần thiết nên cũng thường được dùng như một động từ. Việc lan truyền FUD khiến các trader sợ hãi và giá thị trường sụt giảm nghiêm trọng, tạo điều kiện cho cá voi, cá mập thu gom coin với giá rẻ.

FUD và FOMO trong đời sống hàng ngày

Chúng ta không chỉ bắt gặp hội chứng tâm lý FOMOFUD trong thị trường tài chính mà trong đời sống xã hội hàng ngày cũng thấy. Sự phát triển của mạng xã hội khiến hội chứng FOMO trở nên trầm trọng hơn. Những ví dụ tiêu biểu về FOMO như các bạn trẻ liên tục kiểm tra facebook để không bỏ lỡ những thông tin từ bạn bè, từ các ngôi sao phim ảnh, ca nhạc. Việc bỏ lỡ này khiến bạn trẻ không biết được các “tin nóng” để tham gia “tám” cùng bạn bè, mặc dù không phải tin nào cũng quan trọng.

Biểu hiện khác của FOMO như là phải cố gắng mua 1 cái iphone mới trong trào lưu ai cũng mua iphone, mặc dù không sử dụng hết tính năng hoặc các tính năng vẫn như cái iphone hiện tại đang dùng. Bạn sẽ bị FOMO vì bạn sợ ai cũng có iphone mới mà bạn thì không. Thế là hi sinh vài tháng lương cho con iphone mà bạn cũng chỉ dùng để nghe, gọi, nhắn tin và lướt facebook.

Có một thống kê cho thấy tầm 56% số người sử dụng mạng xã hội có mắc phải hội chứng FOMO. Sự phổ biến của nhiều loại mạng xã hội cũng như hàng loạt trang tin tức khiến cho FOMO ngày càng trở nên phổ biến hơn.

FOMO và FUD được áp dụng để lừa đảo thế nào?

Phần này mình sẽ trích dẫn từ một tài viết khá hay mà Bobby Azarian – Tiến sĩ nổi tiếng về tâm lý học, chia sẻ:

Bobby Azarian
Tiến sĩ Bobby Azarian

“Khi Bitcoin ngày càng đi vào đời sống, thị trường tiền cryptocurrency cũng nở rộ. Hàng ngày, các nhà đầu tư chứng kiến nhiều loại cryptocurrency với mức tăng chóng mặt chỉ trong vài giờ. Mỗi tháng, có ít nhất 2 đến 3 đợt bơm lớn, gây sự chú ý lớn của cộng đồng. Ngay khi các đợt bơm diễn ra, thông tin được nhanh chóng phát tán trên các mạng xã hội, facebook, twitter, reddit, tạo ra làn sóng mọi người đổi vào mua do sợ bị bỏ rơi (FOMO).

Với cơ chế như vậy, chỉ cần đẩy vài thông tin ảo, thị trường sẽ dậy sóng, giá tăng phi mã, làm nhà đầu tư và những công ty phát hành giàu lên nhanh chóng. Không chỉ nhà đầu tư cố gắng tạo hiệu ứng FOMO trong cộng đồng. Ngay cả những người nổi tiếng, chuyên gia tư vấn tài chính, những người mong muốn gây chú ý bằng việc dự đoán giá các loại coin, cũng phần nào đóng góp vào quá trình bơm thổi của thị trường. Nhanh chóng, giá các coin này tăng phi mã gấp vài lần, không quan trọng nó có ứng dụng thực tế gì trong cuộc sống.

Nhưng mỗi đợt bơm này không thể kéo dài, cho dù đồng coin tốt đến đâu, hay thông tin quan trọng ra sao, giá thường nhanh chóng đi xuống khi FUD bắt đầu được phát tán. Vòng quay FUD – FOMO đã trở thành phần khá dễ đoán của thị trường crypto. Khi thị trường nóng, FOMO nhanh chóng được phát tán. Khi có tin xấu FUD sẽ được phát tán. Rõ ràng, trong trường hợp nào thì nỗi sợ cũng là yếu tố chi phối thị trường lớn nhất.

Các tổ chức, cá nhân hay sử dụng hội chứng FOMO – FUD này như một cách thức lừa đảo tinh vi. Bọn chúng mời nạn nhân vào các buổi hội thảo, vẽ ra những công nghệ hoặc kênh đầu tư mới. Sau đó cho “chim mồi” chen nhau để mua hàng hoặc tham gia đầu tư. Các nạn nhân có tâm lý yếu, thiếu kiến thức, kinh nghiệm lập tức cảm thấy FOMO hay FUD ngay. Họ sợ lỡ mất cơ hội ngàn vàng trở thành tỷ phú, thế là vội vàng xuống tiền đầu tư, ngờ đâu đó là cái bẫy. Chiêu trò này không hẳn chỉ dành cho các trader. Họ còn sử dụng như một công cụ để cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường.”

Azarian giải thích với độc giả của Psychology Today:

“Nếu là người ngoài cuộc, hội chứng FOMO – FUD có thể là một trò giải trí đáng xem. Nhưng thật sự đây không phải là một trò chơi. Điều tưởng chừng như đơn giản này lại đem đến hậu quả tài chính nghiêm trọng đối với các nhà đầu tư.”

Cách để vượt qua FOMO và FUD trong Trade coin

Cách vượt qua FOMO và FUD

Việc nhận biết được FOMO hay FUD không hề đơn giản chút nào, thì nói gì đến cách chống lại nó, nhưng không phải là không có cách. Bạn có thể thử vài cách dưới đây xem sao:

  • Luôn kiên định với chiến lược đã vạch ra: nếu đã xác định được điểm vào, hãy kiên nhẫn đợi giá về đúng điểm đó mới vào lệnh, không cố mua khi giá đi ngoài dự định của bạn.
  • Hiểu rằng thị trường có rất nhiều cơ hội: thị trường có rất nhiều cơ hội để kiếm được tiền, nếu thấy coin đã bị FOMO và lên giá quá cao, tốt nhất là nên đứng ngoài cuộc.
  • Cắt lỗ đúng lúc: nếu bạn FOMO và bị đu đỉnh, hay đừng ngần ngại mà cắt lỗ, việc cắt lỗ giúp bạn giữ lại vốn và tìm kiếm các cơ hội khác.
  • Lợi nhuận không dành cho tất cả mọi người: lợi nhuận của người này tức là khoản nợ của người khác. Khi bạn nhảy vào một coin bị FOMO thì đã có một người khác chốt lời thành công.
  • Tiền từ tay người thiếu kiên nhẫn vào tay người kiên nhẫn: tâm niệm điều này sẽ giúp bạn tránh khỏi tác động của FOMO và FUD.

Lời kết

Trên đây là bài viết “FOMO, FUD là gì? Làm sao để vượt qua hai hội chứng tâm lý này trong Trade Coin?” hi vọng sẽ mang đến cho bạn đọc những thông tin thực sự hữu ích. Qua đây Blog tiền ảo cũng mong rằng các nhà đầu tư, các trader dù mới hay chuyên nghiệp sẽ tránh được hai hiệu ứng tâm lý nguy hiểm này khi tham gia thị trường tài chính, đặc biệt là tiền điện tử, không bị cá voi, cá mập “hút máu”, kiếm được lời nhiều hơn là thua lỗ nhé. Chúc các bạn thành công.

Nguồn: Blogtienao tổng hợp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *